LÁ VÀNG

Từ xanh lá vội chuyển qua vàng
Gió thổi vô tình bỗng tạt ngang
Dẫu phủ bao cành đâu có ngại
Dù che mấy cội cũng không màng
Trong giờ giã biệt đành tan tác
Giữa phút xa lìa chịu dở dang
Nỡ bỏ chồi non và lộc thắm
Chiều thu rụng xuống ở thôn làng
Thi Nang

NÔNG DÂN

Vững dạ bền gan ở dưới trời
Muôn ngàn nỗi khổ lúc nào vơi?
Thương người dãi nắng trên đồng ruộng
Xót kẻ dầm mưa giữa cuộc đời
Những độ vô mùa không muốn nghỉ
Bao ngày đến vụ chẳng cần chơi
Trồng rau,trỉa đậu,làm phân lúa…
Cuốc bẫm cày sâu để kịp thời…
Thi Nang

XA GIA ĐÌNH

Bài xướng:
MƠ VỀ ĐẤT MẸ
Thương lắm người ơi kỷ niệm hồng
Mơ về đất mẹ một dòng sông…
Thuyền đi vẫn nhớ tình sâu nặng
Bến hẹn còn vương tuổi mặn nồng
Tím áng mây chiều da diết đợi
Xanh màu mắt lệ thẫn thờ trông
Hoài mong trở lại miền quê ấy
Để nắm tay nhau dạo khắp đồng.
Irina Le
Bài họa 2 :
HẸN NGÀY GẶP LẠI
Vẫn giữ nơi tim cánh phượng hồng
Trao ngày giã biệt phút bên sông
Quê xưa kẻ ở lưu tình đượm
Xứ lạ người đi khắc nghĩa nồng
Đó nẻo chân trời ta mãi ngóng
Kia đằng góc biển bạn luôn trông
Trùng phùng chữ ấy ghi sâu dạ
Hẹn gặp nhau khi lúa chín đồng.
Nguyen Thi Minh
Bài họa 1:
MONG NGÀY VỀ
Bến Hạ chia tay lúc tuổi hồng
Xa rồi ký ức một con sông
Chiều nghiêng nước chở mây vờn đậm
Sáng ngả mưa quây gió thổi nồng
Nhớ bóng cha ngồi bên cửa dõi
Thương hình mẹ đứng cạnh thềm trông
Trong lòng ước có ngày sum họp
Lại được rong chơi ngắm cánh đồng .
Hoang Chau Cach Cach
Bài họa 3:
BAN MAI XỨ PHƯỚC LONG
Yêu sao xứ Phước sớm mai hồng
Ánh tỏa hào quang loáng mặt sông
Núi đợi từng giây chờ nắng ấm
Bưng mong mỗi phút dậy hơi nồng
Chim xinh lượn cánh bên thềm thưởng
Lộc đẹp khơi mầm kế sảnh trông
Nhấm hạt điều thơm , chung trà ngát
Vui nghe í ới gọi ra đồng.
-23/8/22 Hồ Kim Công
Bài họa 4:
XA GIA ĐÌNH
Chiều quê ráng nhuộm dải mây hồng
Lặng lẽ thương người ở cách sông
Dẫu khổ nào quên trà ngọt chát
Dù đau vẫn nhớ rượu cay nồng
Mơ ngày gặp gỡ anh thường ngóng
Ước buổi quây quần chị mãi trông
Những giọt mồ hôi đầm áo vải
Bền tâm vững chí vượt qua đồng
Thi Nang

NỖI NHỚ

Thu về cạnh ngõ lá vàng rơi
Bỗng chốc lìa xa một khoảng trời
Gợi cảnh đồi cao mình đã tới
Khơi dòng suối thẳm họ thường bơi
Đìu hiu nẻo cũ giờ trao ý
Quạnh quẽ nhà xưa phút gửi lời
Những chặng đường quê vừa đổi mới
Nhưng mà nỗi nhớ chẳng hề vơi
Thi Nang

ĐÀNH LỖI HẸN

ĐÀNH XA CÁCH
Những buổi đầu thu cánh nhạn về
Bao mùa lá rụng ở làng quê
Thương hoài kẻ ngụ không tròn ước
Xót mãi người đi chẳng vẹn thề
Lặng lẽ trông chờ cho mắt mỏi
Âm thầm ngóng đợi để lòng tê
Từ hôm tiễn biệt đành xa cách
Rẽ lối còn đâu thuở cận kề
Thi Nang

Xin góp họa cùng tác giả
GẶP LẠI
Viễn xứ bao năm vẫn hướng về
Chân trời khuất dạng bóng hình quê
Ly hương buổi ấy trao lời hẹn
Giã bạn ngày nao khắc chữ thề
Đó buổi nhà xa hồn giá lạnh
Kia ngày đất lạ dạ buồn tê
Còn mơ gặp lại cho tình thỏa
Hạnh phúc bên nhau phút má kề.
Nguyen Thi Minh
(Quản trị viên Trang Chi hội thơ Đường luật Sài Gòn-Việt Nam)

Xin được đáp lễ với Nguyen Thi Minh một bài nhé!
ĐÀNH LỖI HẸN
Từ đêm rẽ lối chẳng quay về
Bỏ xóm lên đường giã biệt quê
Đã khảm vào tâm từng giọng nói
Còn in ở trí mỗi câu thề
Bao ngày vượt rẫy đầu nhoi nhói
Những buổi qua rừng dạ tái tê
Cách trở đò giang đành lỗi hẹn
Dù xa vẫn nhớ thuở vai kề
Thi Nang

ĐÀNH XA CÁCH

Những buổi đầu thu cánh nhạn về
Bao mùa lá rụng ở làng quê
Thương hoài kẻ ngụ không tròn ước
Xót mãi người đi chẳng vẹn thề
Lặng lẽ trông chờ cho mắt mỏi
Âm thầm ngóng đợi để lòng tê
Từ hôm tiễn biệt đành xa cách
Rẽ lối còn đâu thuở cận kề
Thi Nang

NHỚ THƯƠNG CHA MẸ TRONG NGÀY LỄ VU LAN

Mỗi lần đến Lễ Vu Lan
Biết bao nuối tiếc,vô vàn nhớ thương
Mẹ cha dãi nắng dầm sương
Mồ hôi đổ xuống ruộng nương hằng ngày
Trải qua trăm đắng ngàn cay
Lạnh lùng bão lốc,dạn dày gió mưa
Ra đồng đi sớm về trưa
Thường không thoái chí,vẫn chưa nản lòng
Luôn luôn nỗ lực gắng công
Luân canh lúa đậu,vun trồng ngô khoai
Da sần,chân sạm,tay chai
Chẳng nề tháng rộng năm dài gian nan
Mặc cho sóng dập mưa chan
Xuân đi hạ đến thu tàn đông qua
Song đường nay đã đi xa *
Công ơn dưỡng dục như là núi cao
Âm thầm nuốt lệ nghẹn ngào
Hình cha ảnh mẹ tạc vào trí con
Thi Nang
* song đường = song thân = cha mẹ