CHÙA CẦM THỰC *

Ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi
Trước Tam quan dòng suối chắn ngang
Qua cầu lên những bậc thang
Chòm thông tỏa bóng bên đàng người đi
Tục truyền khi Vua rời Suối Tắm
Đã băng ngàn lướt dặm vào đây
Dừng chân nghỉ lại nơi này
Trời trưa gió thổi cành lay rì rào
Thuở ấy vừa sờ vào miệng đãy
Sực nhớ ra,Bảo Sái dừng tay
Vì thương những kẻ ăn mày
Cho nên bố thí cơm chay hết rồi
Dân nhớ buổi Vua tôi làm phước
Nhường phần cơm,uống nước cầm hơi
Nên xây chùa ở non khơi
Đặt tên Cầm Thực,muôn đời tri ân
Đức Vua Trần ra tay tế độ
Được tôn thờ làm Tổ Trúc Lâm
Nhớ công hòa thượng Linh Nhâm **
Qua nhiều triều đại thăng trầm,đổi thay
Đã trải bao năm dài tháng rộng
Pháp biến chùa thành đống tro than
Tư bề lửa cháy điêu tàn
Rêu phong nền cũ,cỏ lan mặt đường
Lòng dân mình vẫn thương mến đất
Sau hòa bình thống nhất non sông
Cụ Hài quyên của góp công ***
Dựng xây chùa nhỏ vừa xong đôi phần
Cụ đã tịch nên dân nuối tiếc
Mới nửa chừng để việc dở dang
Khắc Hoa về nước thăm làng ****
Giúp tiền làm các bậc thang lên chùa
Cổng Tam quan bao mùa vững chãi
Nhìn câu đối,lòng mãi khắc ghi
Do công đại tá Nguyễn Thi *****
Viết ra tặng cửa từ bi bấy chầy
Biết bao nhiêu đêm ngày mong đợi!
Trên đỉnh tròn,chùa mới mọc lên ******
Bê tông cốt thép vững bền
Nhân dân,Nhà nước dựng nên cửa Thiền
Đồng bào ở khắp miền đất Việt
Đến non thiêng để biết cảnh quan
Trong vùng đất Phật thanh nhàn
Tĩnh tâm,an lạc,xua tan u sầu
Thi Nang
* CẤM THỰC :nghĩa là không ăn
** Linh Nhâm : là tên thiền sư có công xây dựng chùa
*** Cụ Hài : “Năm 1988, cụ quản tự Bùi Văn Hài (là người địa phương) cùng các Phật tử đã thu nhận công đức của thập phương để xây dựng ngôi chùa, nhà khách, cổng tam quan và dựng mô cầu. Cầu xây chưa xong thì cụ tịch (tháng 6 nàm 1994). Người sau hoàn thiện phần còn lại”.(trích trong tài liệu của Hành Trình Tâm Linh)
**** Khắc Hoa : “Mùa thu năm 1993, một Việt Kiều ở Canada tên là Lê Khắc Hoa, người Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã phát tâm công đức xây lát đường lên chùa Cầm Thực. Đường dài hơn hai trăm mét, bậc đá kè bằng vữa xi măng”.(trích trong tài liệu của Hành Trình Tâm Linh)
***** Nguyễn Thi : “Phía bên kia cầu là cổng tam quan, dáng vẻ cổ kính, đắp nối đôi câu đối viết theo chữ thảo:
“Cổ tự lưu danh Linh Nhâm Tự
Kim thời hiển tích Trúc Lâm Thiền”

Dịch nghĩa:

“Từ xưa vẫn lưu danh ngôi chùa Bóng Thiêng
Thời nay sự tích Thiền Trúc Lâm còn hiển hiện”

Đôi câu đối này do đại tá Hải quân đã về hưu tên Nguyễn Thi tiến cúng vào năm 1993″.(trích trong tài liệu của Hành Trình Tâm Linh)
****** Trên đỉnh tròn : ngọn núi này có đỉnh tròn giống như “mâm xôi”.