Cửu Đỉnh Chi Bảo

Cuu Dinh Chi Bao

 

 

Giới thiệu về Tiểu thuyết lịch sử Cửu Đỉnh Chi Bảo

     Từ cuối năm 2019 khi thế giới bắt đầu chìm đắm trong đại dịch, con người ta ít được ra ngoài hơn, song đó cũng là cơ hội tôi có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về lịch sử. Đọc cuốn “5000 năm lịch sử của Trung Quốc” do sử gia Tào Dư Chương và Lâm Hán Đạt biên soạn thấy sử sách của nước bạn viết hay quá; mà ngẫm lại sử của ta thì cũng đâu kém cạnh gì: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của ông Ngô Sĩ Liên và Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim thì kể ra cũng sâu sắc lắm. Sử chép tuy ngắn mà bình luận thì có phần cao siêu nên hậu thế đọc vào cũng thấm từng câu chữ. Tuy vậy, lịch sử nước Nam ta thì nhiều, anh hùng dân tộc ta oai phong mà tiểu thuyết và giai thoại của ta truyền lại cũng còn ít quá. Dân ta lại ít biết sử ta.
    Lại được đọc “Sài Gòn Năm Xưa” của cụ Vương Hồng Sểnh và mấy sách nghiên cứu Địa chí của bác Nguyễn Đình Đầu thì lại càng thấy tinh thần bác học và văn chương uyên thâm.
    Với tinh thần lần dở lại từng trang sử để tìm tòi các chi tiết lịch còn bí ẩn, từ đó thổi hồn cho tác phẩm mà khơi gợi tinh thần yêu lịch sử và văn học, trong 3 năm (2019-2022) Nhất Nguyên đã sáng tạo ra tác phẩm Cửu Đỉnh Chi Bảo. Tác phẩm chọn bối cảnh lịch sử cận đại góp phần mang lại nét gần gũi cho quý độc giả. Phong vị của tác phẩm là câu chuyện của chàng kỹ sư trẻ tên Hoàng tình cờ vướng vào một vụ án với vài điều bí ẩn khơi gợi. Với sự tò mò và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chàng trai khám phá ra lịch sử của nhà thuốc Nhị Thiên Đường rồi từ đó, nhân vật chính cuốn vào hành trình liên tục đi qua nhiều thành phố và quốc gia ở Á Đông. Ở mỗi thành phố, chàng trai lại khám phá ra bí ẩn được chôn dấu gắn liền với đặc trưng văn hóa của thành phố cũng như lịch sử của các cây cầu ở Sài Gòn, Đài Bắc, Singapore, Huế và Hà Nội. Câu chuyện cũng xây dựng các tuyến nhân vật phản diện đan xen đồng thời tập trung phân tích nội tâm của nhân vật phản diện. Nếu như mạch truyện của nhân vật chính luôn được giữ với nhịp độ nhanh hối hả thì tuyến nhân vật phản diện lại chậm rãi, tĩnh mịch đi vào chiều sâu bản ngã của nhân vật. Để rồi, độc giả nhận ra một điều căn bản: Tình cảm gia đình vượt lên trên mọi tham vọng của cá nhân. Câu chuyện kết thúc khi nhân vật chính tìm ra nút gỡ cho toàn bộ câu chuyện là chiếc bảo ấn với lịch sử 200 năm của vương triều nhà Nguyễn, bảo vật phát sáng rồi xoay vần và từ từ hòa vào dòng lịch sử truyền tải một thông điệp: giá trị vật chất cho dù quý giá đến đâu rồi cũng mất đi, duy chỉ có giá trị tinh thần, văn hóa và lịch sử là tồn tại mãi mãi.
   Tôi cũng xin mượn ý tứ cụ Nguyễn Hiến Lê để kết thúc cho bài viết này: “Lịch sử có muốn chúng ta lãng quên không? Không, không bao giờ cả! Lịch sử là bài học của tiền nhân để lại cho hậu thế, vậy xin hãy để cho người hậu thế được nhìn về tiền nhân và chiêm nghiệm những điều tốt nhất để đi đến tương lai.

Link Tiki Đặt Sách

Phát Thanh Viên Nam Hiệp Trò chuyện cùng nhà văn Nhất Nguyên