SUỐI GIẢI OAN – CHÙA GIẢI OAN

Sau khi đuổi giặc cứu sơn hà
Giữa buổi mừng vui cảnh thái hòa
Vua đã nhường ngôi cho Thái Tử
Giữ gìn bảo vệ cõi bờ ta.

Thuở ấy Vua Trần đã xuất gia
Tâm bền chí vững vượt đường xa
Qua đồi,lội suối vào Yên Tử
Lập phái Thiền Tông ở nước nhà.

Nhân Tông đến núi được an bình
Tôn tạo chùa chiền độ chúng sinh
Thái Tử sai cung tần mĩ nữ
Thỉnh Vua về ngự chốn cung đình.

Nhân Tông dốc chí để tu hành
Chỉ thích ngồi Thiền ở núi xanh
Khuyên bảo cung tần nên giác ngộ
Về quê hoặc trở lại kinh thành.

Cung tần mĩ nữ rất kiên trinh
Chẳng chịu dời chân,đã hủy mình
Xuống Hổ Khê sâu,dòng nước biếc
Hồn về chín suối vẫn còn linh.

Vua lập đàn tràng cạnh Hổ Khê
Giải oan mĩ nữ chẳng quay về
Cung tần vĩnh biệt nơi dương thế
Tủi kiếp hồng nhan hết cận kề.

Từ đây dựng Miếu ở khe,ngàn
Đổi Hổ Khê thành Suối Giải Oan
Để lại đời sau nhiều cảm xúc
Lâm tuyền thắng cảnh giữa trần gian

Rồi trên chỗ đất lập đàn tràng
Tưởng nhớ người xưa dưới suối vàng
Nhà nước cùng dân xây dựng lại
Giải Oan Thiền Tự rất khang trang.

Có dịp lên Chùa thắp nén hương
Thành tâm lễ Phật chốn Tiền Đường
Vào thăm Tam Tổ,sang Nhà Mẫu
Trọn đạo làm người ở cõi dương.

Phảng phất hương trầm quyện khói sương
Trên cành cổ thụ nắng chiều vương
Ngôi Chùa tĩnh mịch bên bờ suối
Trĩu nặng trong lòng nỗi tiếc thương
Thi Nang

CHÙA LÂN

Trên quả đồi như Lân phủ phục
Ngõ vào chùa rừng trúc tươi xanh
Quanh năm không khí trong lành
Nhiều cây cổ thụ xòe cành,bóng râm
Đây:Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử,
Còn gọi:Long Động Tự – Chùa Lân
Tương truyền Vua đã dừng chân
Ngồi thiền để được sáng thần trí thêm
Ở chốn này,trong đêm xưa ấy
Vua mơ thấy đang cưỡi Rồng vàng
Bay vào Động rộng thênh thang
Sen vàng tỏa ánh hào quang trên hồ
Màu thanh nhã điểm tô cảnh vật
Hoa sen nở phảng phất hương bay
Sau khi du ngoạn hồ này
Rồng đưa Vua ngự lên đài hoa sen
Nghe dòng nước chảy len khe đá
Gió lùa qua cụm lá rì rào
Giật mình tỉnh giấc chiêm bao
Vừa lên cõi Phật hay vào Bồng Lai?
Đức Vua khẽ lay vai Bảo Sái
Gọi dậy rồi kể lại cơn mơ
Thật là kỳ lạ bất ngờ
Thầy trò thắp lửa tình cờ nhận ra
Bầy Rồng đất lân la kề cận
Chúng nghe động nên ẩn nấp ngay
Đức Vua đã gặp điềm may
Đặt tên thắng cảnh nơi đây:Động Rồng
Thuở Vua Trần Nhân Tông lên núi
Đã băng rừng vượt suối gian truân
Vua cho tôn tạo Chùa Lân
Là nơi Phật Tử xa gần hành hương
Tam Tổ Trúc Lâm thường thuyết pháp
Chư Tăng nghe ấm áp tâm linh
Hết lòng giúp đỡ chúng sinh
Xả thân độ thế,quên mình cứu nhân.
Sau thời Trần;Hồ,Lê nối tiếp
Các Thiền Sư kế nghiệp cửa Thiền
Chân Nguyên cùng với Tuệ Nguyên (1)
Chấn hưng Phật pháp lưu truyền xưa nay.
Thời chống Pháp,Chùa này tan vỡ
Chỉ còn các Tháp ở bên Chùa (2)
Mưa chan,nắng chiếu,gió lùa
Sương sa giá lạnh bao mùa thê lương!
Lúc thanh bình quê hương đất nước
Ngôi Chùa Lân mới được khởi công
Nhân dân,Nhà nước xây xong
Vào năm Nhâm Ngọ thỏa lòng ước mơ. (3)
Ngõ từ xưa đến giờ lát đá
Giống như tấm thảm đã trải ra
Biết bao du khách lại qua!
Rất nhiều Phật Tử gần xa đi về.
Hàng Tháp cổ cận kề sân,ngõ,
Xót Thiền Sư lìa bỏ dương gian
Hóa thân lên cõi Niết Bàn
Lưu truyền Phật pháp đến ngàn đời sau.
Thông mã vĩ tươi màu cạnh Tháp (4)
Trải qua nhiều bão táp,nắng nung
Bao mùa tuyết phủ lạnh lùng!
Thân to,gốc vững trên vùng đồi cao.
Khách đi vào thăm Chùa Long Động
Cổng Tam Quan mở rộng thường xuyên
Nguy nga rực rỡ cửa Thiền
Cây xanh ngói đỏ trong miền sơn lâm.
Các Tăng Ni khắc tâm giáo lý
Đặt quả cầu “Như ý báo ân” (5)
Giữa đài sen ở trên sân
Nhớ công Phật Tổ xả thân độ trì.
Tượng Thích Ca Mâu Ni tuyệt mĩ (6)
Chốn núi đồi kì vĩ,bình yên
Mắt nhìn thấu cõi nhân thiên
Tay nâng một đóa hoàng liên sáng ngời
Đức Thế Tôn ngự nơi Chính Điện (7)
Có Bồ Tát hiển hiện hai bên (8)
Ngàn năm lừng lẫy tuổi tên,
Làng nghề ở Huế đúc nên tượng đồng.
Tả,hữu là Lầu Chuông,Lầu Trống (9)
Mỗi lần gióng vang vọng,ngân nga
Từng hồi giục khách tỉnh ra
Xua tan mê muội,vượt qua u sầu.
Nơi kề sau Đại Hùng Bảo Điện
Người hành hương khấn nguyện lầm rầm
Phụng thờ Tam Tổ Trúc Lâm
Lập nên Thiền phái bảy trăm năm rồi
Phía bên phải tường hồi Nhà Tổ
Tranh khảm trai một bộ xinh xinh (10)
Trưng bày diễn tả quá trình
Đi tìm chân lý của hành giả xưa.
Vừa tri ân lại vừa ngưỡng mộ
Pho tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma (11)
Dùng cây gỗ quý phương xa
Đem về chạm khắc rất là công phu.
Khách thập phương vân du chụp ảnh
Đã vào đây ngoạn cảnh chùa chiền
Nhìn xem Phật Tử tu Thiền
Thiền Đường tráng lệ trên miền đồi xanh.
Hồ Tĩnh Tâm trong lành,thanh tịnh
Tượng Quan Âm gần Chính Pháp Đường (12)
Lầu cao đồ sộ,khang trang
Tăng Ni,Phật Tử vẫn thường đến đây
Để lắng nghe Sư Thầy giảng đạo
Các Thiền Sư thuyết giáo,giảng kinh
Cầu mong Đức Phật hiển linh
Muôn đời phổ độ chúng sinh an bình.
Nhà trưng bày ảnh,Kinh,thư tịch
Về non Yên,dấu tích Chùa Lân
Những gương sáng ở dương trần
Vị tha,bác ái,cứu nhân,giúp đời
Kề bên Tháp xanh tươi màu lá
Cây đa đã sống bảy trăm năm
Biết bao người đến đây thăm!
Qua nhiều biến cố thăng trầm đổi thay
Gốc đa này đang ôm gốc thị
Tạo nên điều thú vị lạ thường
Khiến cho du khách thập phương
Khi về trí vẫn còn vương cảnh Chùa
Mãi tri ân Đức Vua,Bảo Sái
Cùng Chư Tổ Thiền Phái Trúc Lâm
Những lời thuyết pháp uyên thâm
Vẫn còn đọng lại trong tâm tín đồ.
Thi Nang
(1): Thiền Sư Chân Nguyên (1647 – 1726) đã có công chấn hưng Phật pháp đã biên soạn Thiền tông bản hạnh,kiến tính thành phật và Thiền Sư Tuệ Nguyên in Trúc Lâm Tam Tổ,Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục
(2): còn lại 23 Tháp ở Chùa Lân
(3): Năm Nhâm Ngọ tức là năm 2002
(4): Thông mã vĩ:Bên phải hàng Tháp ngõ Chùa Lân vẫn còn sót lại một cây thông mã vĩ,đến nay khoảng vài trăm tuổi
(5): Quả cầu “Như ý báo ân Phật Tổ” bằng đá hoa cương đỏ,đường kính 1950mm,trọng lượng 6,5 tấn được lấy từ mỏ đá An Nhơn,Quy nhơn,tỉnh Bình Định.Quả cầu được đặt trên một bệ đá có tiết diện vuông,nặng 4,5 tấn,nó có thể tự quay quanh mình nó theo chiều chữ “Vạn”
(6): Tượng Thích Ca Mâu Ni:nặng gần 4 tấn,có tượng Văn Thù,Phổ Hiền bồ tát ngự hai bên,tượng trưng trí tuệ và hạnh nguyên.Ba pho tượng đồng được đúc từ làng nghề ở Huế.
(7): Đức Thế Tôn:Tiếng tôn xưng Phật Thích Ca
(8): Xem chú thích (6)
(9): + Lầu Chuông:Chuông đồng Chùa Lân nặng 1,4 tấn
+ Lầu Trống:Trống dài gần hai mét,đường kính tang trống gần một mét,được tạo nên bởi một thân gỗ liền khoét rỗng.
(10): Tranh khảm trai “Thập mục ngưu đồ”,diễn tả bằng tranh quá trình hành giả tu tập tìm chân lý,ví tựa nông phu đi tìm,thuần phục trâu.
(11): Pho tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma:có chiều cao thân tượng là 3,2 mét,bệ đỡ cao 0,65 mét,chiều rộng bệ đỡ 0,95 mét,nặng khoảng 3,2 tấn với nét chạm khắc vô cùng tinh tế và thiền vị,pho tượng này bằng cây gỗ quý có nguồn gốc từ nam Mỹ.
(12): Tượng Quan Âm:cao 14 mét,bằng đá hoa cương.- Các chú thích trên đây được trích từ Hành Trình Tâm Linh