ĐỒNG LÒNG CHUNG SỨC

Lãnh thổ ngày nay được thái bình
Vui mừng xứ sở đã hồi sinh
Nhiều nơi vạn kiếp luôn tròn nghĩa
Lắm nẻo nghìn năm vẫn trọn tình
Giữa tỉnh tăng cường xây phố đẹp
Trong phường phát triển dựng lầu xinh
Đồng tâm nỗ lực làm theo Đảng
Hỗ trợ người dân của nước mình
Thi Nang

CỔ THỤ

Cội dưỡng từng thân nảy lắm cành
Nuôi chồi lẫn lá rợp màu xanh
Dầm sương ngọn tỏa miền sơn cước
Dãi nắng tàn che cảnh thị thành
Những buổi thu về mưa dứt chậm
Bao ngày hạ đến bão tràn nhanh
Nên gìn chắc rễ đừng cho bật
Đứng giữa càn khôn tựa chỉ mành
Thi Nang

CHIỀU XƯA QUA SÔNG

Đò xưa vội vã lướt trên dòng
Giã cảnh xa làng biệt bến sông
Quạnh quẽ thôn nghèo thương má đỏ
Đìu hiu nẻo cũ nhớ môi hồng
Người ra góc biển thường mong đợi
Kẻ ngụ chân trời mãi ngóng trông
Lạnh lẽo mưa chiều,cơn gió thổi
Ngồi nghe sóng gợn ở trong lòng
Thi Nang

LÁ XANH

Dầm sương dãi gió ở trên cành
Đẹp vẻ tươi màu những lá xanh
Đã phủ thân bền luôn mát rượi
Từng che cội vững rất yên lành
Kiên cường bíu ngọn ngày mưa ẩm
Nhẫn nại đeo chồi buổi nắng hanh
Tỏa bóng vươn tàn không sợ bão
Dù cho gãy đổ rách tan tành
Thi Nang

NHỚ NGÀY GIÃ BIỆT

Nhớ cảnh ngày xưa giã biệt trường
Trong lòng khắc đậm những niềm thương
Mang hoài nghĩa nặng vào trăm nẻo
Quẩy mãi tình sâu đến chục đường
Đã luyện tinh thần luôn sảng khoái
Hay rèn bản tính thật hiền lương
Tôi rời thị trấn về thôn dã
Bạn vẫn bình yên ở phố phường
Thi Nang

TRI ÂN LIỆT SĨ ANH HÙNG

Năm xưa giã biệt quê nhà
Ra đi bảo vệ sơn hà thân thương
Cùng nhau tiến bước lên đường
Bền gan vững chí kiên cường xông pha
Không nề bão táp phong ba
Từng lâm đạn xới, đã qua bom cày
Nào e nếm mật nằm gai
Nhiều năm vất vả, lắm ngày nguy nan
Công đồn, hạ bốt, chống càn
Vào sinh ra tử vô vàn gian lao
Băng rừng rậm, vượt đèo cao
Chẳng lung lay chí, không nao núng lòng
Tinh thần quả cảm xung phong
Quyết tâm giải phóng non sông của mình
Xả thân vì nước hy sinh
Biết bao người đã quên mình vì dân!
Đồng bào chiến sĩ tri ân
Anh hùng liệt sĩ góp phần máu xương
Làm cho rạng rỡ quê hương
Ngời danh vạn thuở, sáng gương muôn đời
Thi Nang

MÃI NHỚ CÔNG ƠN ANH HÙNG LIỆT SĨ

Sắp đến ngày thương binh liệt sĩ 27/7, Thi Nang xin phép đăng bài thơ này
MÃI NHỚ CÔNG ƠN ANH HÙNG LIỆT SĨ
Nào e cực khổ quyết lên đường
Đã diệt quân thù ở bốn phương
Rạng tiết muôn đời tâm dũng cảm
Ngời danh triệu thuở chí kiên cường
Tôn thờ liệt sĩ toàn dân mến
Ngưỡng mộ anh hùng cả nước thương
Dẫu pháo bom gầm không hoảng sợ
Cùng nhau nỗ lực rất phi thường
Thi Nang

LÀM THƠ ĐƯỜNG LUẬT

LÀM THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Đã trải qua ít nhiều năm làm thơ Đường luật. Đây là thể thơ tương đối khó làm vì niêm luật rất chặt chẽ, các thi nhân thường dùng để xướng họa với nhau theo chỉnh thể hoặc biến thể rất phong phú và đa dạng.Dựa vào các nghiên cứu, học tập từ sách, các diễn đàn trên mạng internet và bạn thơ, mặc dù trí thiển tài sơ, nay Thi Nang xin phép được biên soạn một số quy định của thơ Đường luật với hy vọng là sẽ giúp một phần nhỏ cho quý bạn trẻ mới và muốn làm thơ Đường luật
I- Các thể thơ Đường luật
1) Thất ngôn bát cú vần bằng
a) Luật bằng vần bằng

B B T T T B B hoặc B B T T B B T (trốn vận)
T T B B T T B
T T B B B T T
B B T T T B B
B B T T B B T
T T B B T T B
T T B B B T T
B B T T T B B

b) Luật trắc vần bằng

T T B B T T B hoặc T T B B B T T (trốn vận)
B B T T T B B
B B T T B B T
T T B B T T B
T T B B B T T
B B T T T B B
B B T T B B T
T T B B T T B

* Ghi chú: B (bằng) và T (trắc)
* Chú ý: “Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”. Tuy nhiên khi đổi bằng ra trắc cần chú ý tránh lỗi khổ độc
c) Niêm: là kết dính
Câu 2 niêm với câu 3, câu 4 niêm với câu 5, câu 6 niêm với câu 7, câu 1 niêm với câu 8.Trong bài thất ngôn bát cú luật bằng đúng niêm khi chữ thứ hai câu 1; 4; 5; và 8 cùng nhóm thanh. Trong bài thất ngôn bát cú luật trắc đúng niêm khi chữ thứ hai câu 2; 3; 6 và 7 cùng nhóm thanh.

d) Luật: Muốn biết bài thơ Đường luật theo luật nào thì căn cứ vào chữ thứ hai của câu 1

e) Vần: Thơ Đường luật gieo vần ở chữ cuối của các câu 1; 2; 4; 6; 8 (có một số bài thơ Đường luật bỏ vần ở câu 1- xem bảng luật ở trên). Các thi nhân thường gieo chính vận, đôi khi cũng dùng thông vận,(cần tìm hiểu thêm về thông vận để khỏi bị lạc vận)

g) Nhịp điệu:
– Câu thất ngôn đi theo nhịp chẵn: 2/2/3, hay 4/3.Tuy nhiên, đôi khi tác giả còn dùng 2/3/2, để làm nổi bật câu thơ, gây nên một ấn tượng sâu sắc.
Thí dụ: Trong bài CÁC DẠ (ĐÊM TRÊN GÁC) của Đỗ Phủ có hai câu theo nhịp 2/3/2 như sau:
Ngũ canh/cổ giác thanh/bi tráng,
Tam giáp/tinh hà ảnh/động diêu
(Suốt năm canh, tiếng trống tù và còn não nùng,
Vùng ba kẽm,bóng sao hà lung lay)
– Câu ngũ ngôn theo nhịp 2/3

2) Thất ngôn bát cú vần trắc

Trong bài thất ngôn bát cú vần bằng, khi đổi trắc thành bằng hoặc ngược lại thì sẽ có bài thất ngôn bát cú vần trắc

3)Ngũ ngôn bát cú

Trong bài thất ngôn bát cú, nếu bỏ hai chữ đầu của mỗi câu thì sẽ trở thành bài ngũ ngôn bát cú

4) Thất ngôn tứ tuyệt

Thông thường, các thi nhân hay chọn bốn câu đầu (câu 1; 2; 3; 4); bốn câu cuối (câu 5; 6; 7; 8); bốn câu giữa (câu 3; 4; 5;6) hoặc ghép hai câu đầu với hai câu cuối (câu 1; 2; 7; 8 ) của bài thất ngôn bát cú. Hiện nay còn có một số cách ghép thành thất ngôn tứ tuyệt khác nữa.

5) Ngũ ngôn tứ tuyệt

Bỏ hai chữ đầu ở mỗi câu của bài thất ngôn tứ tuyệt thì thành ra bài ngũ ngôn tứ tuyệt

II- Đối ngẫu trong thơ Đường luật

1) Trong bài thơ Đường luật: câu 3 đối với câu 4 và câu 5 đối với câu 6
– Danh từ đối với danh từ
– Động từ đối với động từ
– Tính từ đối với tính từ
– Trợ từ đối với trợ từ
– Đại từ đối với đại từ
– Kết từ đối với kết từ
– Phụ từ đối với phụ từ
– Số từ đối với số từ
– Từ láy đối với từ láy cùng loại
– Danh từ riêng đối với danh từ riêng
– Từ Hán Việt đối với từ Hán Việt
Thí dụ: Giữa trận cuồng phong nhành biếc đổ
Trong mùa khổ vũ lá vàng rơi (Thi Nang)
+ cuồng phong (cơn gió xoáy dữ dội) đối với khổ vũ (mưa quá nhiều)

Và trong bài THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ của Bà Huyện Thanh Quan:
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cao mặt với tang thương
+ Thu thảo đối với tịch dương
+ Tuế nguyệt đối với tang thương

– Điển tích đối với điển tích
Thí dụ: Nhìn qua tử lý niềm thương đượm
Ngoảnh lại huyên đường nỗi nhớ thêm (Thi Nang)
+ Tử lý (làng có trồng cây thị = làng cũ) đối với huyên đường (nhà có trồng cây huyên = người mẹ)

* Trên đây là phép CHỈNH ĐỐI thường được các thi nhân sử dụng. Ngoài ra một số thi nhân còn dùng CÚ TRUNG ĐỐI (hay TIỂU ĐỐI), GIAO CỔ ĐỐI (ĐỐI CHÉO), LƯU THỦY ĐỐI (Ý câu sau tiếp ý câu trước), Phép TÁ TỰ ĐỐI (Đối tiếng đối bóng), BẤT ĐỐI CHI ĐỐI (Không đối tự loại mà đối ý)

2) Còn có những bài có ba cặp đối: câu 1 và 2; câu 3 và 4; câu 5 và 6
Thí dụ: NGƯỜI ĐI KHÔNG VỀ
Già trông mặt biển mờ tăm cá
Trẻ dõi chân trời mịt bóng chim
Vượt chỗ đồi cao đường khúc khuỷu
Vào nơi vực thẳm núi im lìm
Ân tình tạc miết trong thùy não
Kỷ niệm in hoài giữa trái tim
Đã mấy thu rồi chưa trở lại
Người đi vạn nẻo biết đâu tìm
Thi Nang

3) Cũng có những bài có bốn cặp đối: đề, thực, luận, kết đều đối ngẫu
Thí dụ: TÔN THỜ VÀ NGƯỠNG MỘ ANH HÙNG LIỆT SĨ
Bền gan nếm mật qua nghìn nẻo
Vững chí nằm gai trải chục vùng
Đuổi giặc trừ gian, tròn chữ hiếu
Xua thù khử ác, vẹn lòng trung
Bom gầm chẳng sợ dù thân tán
Pháo nổ không sờn dẫu mệnh chung
Cả nước tôn thờ chư liệt sĩ
Toàn dân ngưỡng mộ đấng anh hùng
Thi Nang

Bài thơ Đường luật nếu thất đối thì không còn được xem là bài thơ Đường luật nữa!

III- Đường luật ngũ độ thanh và tứ độ thanh
1) Thất ngôn bát cú-Ngũ độ thanh
Được xem như là bài thơ Đường luật chỉnh thể, khi làm cần chú ý những quy định sau:
– Mỗi câu phải có năm thanh điệu (thanh sắc,hỏi,ngã,nặng,huyền hoặc thanh ngang), trong đó hai chữ đều là thanh ngang thì không được đặt liền nhau
Thí dụ: lung linh, long lanh, công danh,…
– Và hai chữ đều mang thanh huyền cũng không được đặt liền nhau trong một câu. Thí dụ: ngoằn ngoèo, bồng bềnh, ngày dài,…
– Chỉ hai chữ có thanh ngang hoặc thanh huyền nếu không trùng từ thì được dùng trong một câu nhưng không được đặt liền nhau
Thí dụ: Người đi vạn nẻo biết đâu tìm (trong câu thơ này chữ người và tìm đều mang dấu huyền nên không đặt liền nhau, hai chữ đi và đâu là thanh ngang nên không đặt liền nhau trong một câu
– Còn các thanh sắc, hỏi, ngã, nặng thì chỉ xuất hiện một lần trong một câu
– Trong bài thất ngôn bát cú ngũ độ thanh ở các câu gieo vần, nếu chữ thứ hai hoặc chữ thứ tư là thanh ngang, thì chữ thứ bảy phải mang thanh huyền và ngược lại để tránh lỗi phong yêu và hạc tất.
Thí dụ: NGOẠN CẢNH CHIỀU QUÊ
Ngoạn cảnh chiều quê giữa đất lành
Sau nhà mít bưởi rợp màu xanh
Âm thầm cạnh ngõ sương choàng lá
Lặng lẽ ngoài hiên khói phủ cành
Đã hé bung tràng hoa nở chậm
Đang đùa giỡn nhụy bướm vờn nhanh
Vòng quanh ít lượt trong vườn nhỏ
Những phút bình yên ở ngoại thành
Thi Nang

NHỚ CẢNH ĐỒNG QUÊ
Bây giờ nhớ lại cảnh đồng quê
Sải cánh cò bay mỗi hạ về
Giữa ruộng ngày nao già đuổi nghé
Trên đường độ ấy trẻ lùa bê
Luôn hằn ở não ngày xa cách
Mãi khắc vào tâm buổi cận kề
Gió thổi diều lên màu rực rỡ
Anh nhìn chị ngắm thảy đều mê
Thi Nang

2) Ngũ ngôn bát cú-Tứ độ thanh
– Mỗi câu phải có bốn thanh điệu gồm thanh ngang,thanh huyền và thêm hai hoặc ba thanh trong bốn thanh còn lại (sắc, hỏi, ngã, nặng)
– Cách làm tương tự như ngũ độ thanh (có thể nói trong bài ngũ độ thanh bỏ đi hai chữ đầu sẽ thành bài tứ độ thanh)
Thí dụ: RÈN THÂN GIÚP ĐỜI
Sống ở cõi trần ai
Chăm rèn đức luyện tài
Ghi lòng bao lẽ phải
Khắc dạ những điều hay
Tích cực làm ơn mãi
Thường xuyên tạo phúc hoài
Tinh thần luôn thoải mái
Thể xác nhẹ nhàng thay!
Thi Nang

HỪNG ĐÔNG
Đường quê rộn tiếng cười
Vạn lá phủ cành tươi
Ở trạm xe nhiều khách
Vào phiên chợ lắm người
Ngoài hiên bầy sẻ đậu
Cạnh gốc lũ gà bươi
Rực rỡ vầng dương chiếu
Hừng đông giữa tháng mười
Thi Nang
IV- Những lỗi bệnh trong thơ Đường luật
– Trong thơ Đường luật có khoảng 20 lỗi bệnh mà người làm thơ cần phải tránh đó là: lạc vận, thất đối, thất niêm, thất luật, khổ độc, phạm đề, trùng từ, trùng vận, trùng ý, điệp âm, điệp điệu, điệp thanh, bình đầu, thượng vĩ, tiểu vận, đại vận, hạc tất, phong yêu, bàng nữu, chánh nữu. (Qúy bạn thơ trẻ có thể xem trên các diễn đàn và trên mạng internet)
– Hơn nữa quý bạn thơ trẻ cần tìm hiểu thêm về thi pháp và nghệ thuật của thơ Đường luật
– Tóm lại, một bài thơ Đường luật hoàn hảo là phải đúng luật, đối ngẫu chuẩn, tứ thơ hay và mạch lạc, từ ngữ phong phú, nhịp điệu thích hợp, và tránh được các lỗi bệnh nêu trên.
– Chúc quý bạn thơ trẻ khổ luyện kiên trì, nhẫn nại và thành công
Thi Nang biên soạn

TỦ SÁCH GIA ĐÌNH

Tủ sách gia đình rực rỡ sao!
Vừa đem mấy quyển truyện thơ vào
Muôn dòng khắc não nhiều vô kể
Tỉ chữ ghi lòng đẹp biết bao!
Đã tuyển điều hay thường thích ạ
Từng nghe lẽ phải rất ham nào
Mươi từ điển quý còn lưu giữ
Hỗ trợ cho mình thỏa ước ao
Thi Nang