CHÙA CẦM THỰC *

Ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi
Trước Tam quan dòng suối chắn ngang
Qua cầu lên những bậc thang
Chòm thông tỏa bóng bên đàng người đi
Tục truyền khi Vua rời Suối Tắm
Đã băng ngàn lướt dặm vào đây
Dừng chân nghỉ lại nơi này
Trời trưa gió thổi cành lay rì rào
Thuở ấy vừa sờ vào miệng đãy
Sực nhớ ra,Bảo Sái dừng tay
Vì thương những kẻ ăn mày
Cho nên bố thí cơm chay hết rồi
Dân nhớ buổi Vua tôi làm phước
Nhường phần cơm,uống nước cầm hơi
Nên xây chùa ở non khơi
Đặt tên Cầm Thực,muôn đời tri ân
Đức Vua Trần ra tay tế độ
Được tôn thờ làm Tổ Trúc Lâm
Nhớ công hòa thượng Linh Nhâm **
Qua nhiều triều đại thăng trầm,đổi thay
Đã trải bao năm dài tháng rộng
Pháp biến chùa thành đống tro than
Tư bề lửa cháy điêu tàn
Rêu phong nền cũ,cỏ lan mặt đường
Lòng dân mình vẫn thương mến đất
Sau hòa bình thống nhất non sông
Cụ Hài quyên của góp công ***
Dựng xây chùa nhỏ vừa xong đôi phần
Cụ đã tịch nên dân nuối tiếc
Mới nửa chừng để việc dở dang
Khắc Hoa về nước thăm làng ****
Giúp tiền làm các bậc thang lên chùa
Cổng Tam quan bao mùa vững chãi
Nhìn câu đối,lòng mãi khắc ghi
Do công đại tá Nguyễn Thi *****
Viết ra tặng cửa từ bi bấy chầy
Biết bao nhiêu đêm ngày mong đợi!
Trên đỉnh tròn,chùa mới mọc lên ******
Bê tông cốt thép vững bền
Nhân dân,Nhà nước dựng nên cửa Thiền
Đồng bào ở khắp miền đất Việt
Đến non thiêng để biết cảnh quan
Trong vùng đất Phật thanh nhàn
Tĩnh tâm,an lạc,xua tan u sầu
Thi Nang
* CẤM THỰC :nghĩa là không ăn
** Linh Nhâm : là tên thiền sư có công xây dựng chùa
*** Cụ Hài : “Năm 1988, cụ quản tự Bùi Văn Hài (là người địa phương) cùng các Phật tử đã thu nhận công đức của thập phương để xây dựng ngôi chùa, nhà khách, cổng tam quan và dựng mô cầu. Cầu xây chưa xong thì cụ tịch (tháng 6 nàm 1994). Người sau hoàn thiện phần còn lại”.(trích trong tài liệu của Hành Trình Tâm Linh)
**** Khắc Hoa : “Mùa thu năm 1993, một Việt Kiều ở Canada tên là Lê Khắc Hoa, người Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã phát tâm công đức xây lát đường lên chùa Cầm Thực. Đường dài hơn hai trăm mét, bậc đá kè bằng vữa xi măng”.(trích trong tài liệu của Hành Trình Tâm Linh)
***** Nguyễn Thi : “Phía bên kia cầu là cổng tam quan, dáng vẻ cổ kính, đắp nối đôi câu đối viết theo chữ thảo:
“Cổ tự lưu danh Linh Nhâm Tự
Kim thời hiển tích Trúc Lâm Thiền”

Dịch nghĩa:

“Từ xưa vẫn lưu danh ngôi chùa Bóng Thiêng
Thời nay sự tích Thiền Trúc Lâm còn hiển hiện”

Đôi câu đối này do đại tá Hải quân đã về hưu tên Nguyễn Thi tiến cúng vào năm 1993″.(trích trong tài liệu của Hành Trình Tâm Linh)
****** Trên đỉnh tròn : ngọn núi này có đỉnh tròn giống như “mâm xôi”.

CHÙA SUỐI TẮM

Qua dốc Cửa Ngăn chừng trăm bước
Kề bên một dòng nước quanh quanh
Giữa bầu không khí trong lành
Chòm cây cổ thụ xanh xanh cạnh chùa
Trên thế đất đầu Rùa hiện hữu
Đã bao đời trường cửu hiển linh
Nguyệt Nga công chúa hy sinh *
Nghĩa quân lập Miếu tôn vinh phụng thờ
Khi Pháp chiếm cõi bờ nước Việt
Pháo bom rơi hủy diệt chùa chiền
Điêu tàn,đổ nát cửa Thiền
Đau thương tang tóc khắp miền núi sông
Chùa Cầm Thực trong vòng lửa khói
Cháy tiêu tan,cột,ngói tơi bời
Tượng,Chuông đã được di dời
Nhân dân vận chuyển xuống nơi Miếu này
Từ buổi đấy ở đây thờ Phật
Mỗi xuân về phảng phất thơm hương
Hoa bòng,hoa đại còn vương
Trong lòng quý khách trên đường vân du.
Đã mấy lần trùng tu dựng lại
Nay ngôi Chùa vững chãi khang trang
Từ Tam quan xuống bậc thang
Chân mình cảm thấy nhẹ nhàng,khoan thai.
Mái lợp ngói mũi hài rực rỡ
Nhà Tam Bảo,nhìn tợ chữ “Đinh”
Đầu đao,đầu nóc xinh xinh
Hình Rồng sóng nước xen hình vân mây
Cánh cửa dày,”Thượng song hạ bản”
Mở thường xuyên đón vạn khách vào
Ngoài sân rợp bóng cây cao
Cảnh quan mát rượi,thanh tao,hữu tình
Nhà Thờ Tổ như hình chữ “Nhất”
Hoa văn chạm trổ rất công phu
Nghệ nhân trang trí chỉn chu
Từ khi Nhà nước trùng tu đến giờ
Trong Chùa các Tượng thờ bằng gỗ
Cầu mong Phật phổ độ chúng sinh
Phù trì đất Việt thanh bình
Yên lành,hạnh phúc,phồn vinh bội phần.
Tương truyền thuở Vua Trần lên núi
Vượt đường xa giữa buổi trưa hè
Chim kêu hòa lẫn tiếng ve
Mồ hôi quyện bụi,Vua nghe oi nồng
Nên nhoài mình xuống dòng nước mát
Cuốn bụi trần trôi dạt biển khơi
Thân tâm an lạc trên đời
Vua cùng Bảo Sái đã rời khỏi đây
Từ độ ấy tích này đọng lại
Trong nhân tâm mãi mãi lưu truyền
Trúc Lâm Thiền phái non Yên
Đồng bào vẫn nhớ cửa Thiền,Đức Vua
Nên đặt tên là Chùa Suối Tắm **
Bao năm dài khắc đậm lòng dân
Là do sự tích Vua Trần
Muôn đời hậu thế tri ân Phật Hoàng ***
Thi Nang
* Nguyệt Nga công chúa:(là em gái của Quận He Nguyễn Hữu Cầu-một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa ở thế kỷ XVIII)
Nguyệt Nga công chúa mất khi còn trẻ nhưng có công đức giúp dân,giúp nước nên nghĩa quân chôn cất Bà ở đây và lập miếu thờ Bà,tôn Bà là Phúc Đẳng Thần trấn giữ cửa rừng này.(phỏng theo tài liệu của Hành Trình Tâm Linh)
** Suối Vua Tắm gọi tắt là Suối Tắm.Tên Chùa Suối Tắm được ghi khắc trên cổng Tam quan bằng chữ Việt.
*** Vua Trần,Phật Hoàng:là vua Trần Nhân Tông thời Trần cùng với sư Pháp Loa và sư Huyền Quang lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (gọi là Tam Tổ Trúc Lâm)